Thanh Hóa: Đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa tập trung cao độ và có bước đột phá trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn, tạo ra thế và lực để Thanh Hóa cất cánh…
Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có số vốn đầu tư trên 9 tỷ USD đi vào hoạt động đang phát huy hiệu quả
Đột phá trong cải cách hành chính
Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của các nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hình thức. Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phân công bộ phận theo dõi, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, từ chủ trương đúng để có chương trình hành động cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được thực thi. Việc triển khai xây dựng, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực được chú trọng, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các qui định trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai; Qui định về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lí Nhà nước trên các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư; niêm yết công khai các qui định thủ tục hành chính, đồng thời thực hiện nghiêm quy định 4 “tăng”, 2 “giảm”, 3 “không” trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa được thành lập và chính thức đưa vào hoạt động tháng 11/2017 cùng với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP tại 27/27 huyện, thị, thành trên địa bàn Thanh Hóa, đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân kịp thời, công khai, minh bạch đúng pháp luật, thời gian giải quyết đúng quy định. Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thực hiện thủ tục hành chính “một cửa tại chỗ”. Các ngành, các cấp đã duy trì và thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Hiện có 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện, 100% đơn vị cấp xã sử dụng cung cấp các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, sáp nhập xã, phường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp lao động tay nghề cao cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển…
Thu hút hơn 1000 dự án đầu tư trực tiếp
Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mà giai đoạn 2016-2020 Thanh Hóa đã thu hút được 1.110 dự án đầu tư trực tiếp (gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015), gồm 1.032 dự án đầu tư trong nước (gấp 1,92 lần) và 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (gấp 3,1 lần giai đoạn 2011-2015) với tổng mức đầu tư đăng ký 186.200 tỷ đồng (tăng 46,8%) và 3.643,3 triệu USD (tăng 54% so với giai đoạn 2011-2015). Đặc biệt, đối với công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó năm 2017 đạt 3.019 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước. Lũy kế đến nay trên địa bàn Thanh Hóa có 132 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 14.245 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, trong các lĩnh vực công nghiệp; nông nghiệp; đô thị hạ tầng, cụm công nghiệp; giáo dục, y tế… đang được triển khai thực hiện. Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Thanh Hóa như Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Long Sơn (dây chuyền 1 và 2), Nhà máy dầu ăn Nghi Sơn, Nhà máy điện năng lượng mặt trời Yên Định, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn (giai đoạn 1), Khu đô thị mới Trung tâm Tp. Thanh Hóa (VinGroup), Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn… Đồng thời đã khởi công xây dựng nhiều dự án quy mô lớn như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, Nhà máy sản xuất tất và áo lót cao cấp (Yên Định) Nhà máy xuất khẩu Kim Việt (Nông Cống)…
Nhiều chỉ số hành chính nằm trong top đầu cả nước
Với quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh. Vai trò quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công đối với người dân của các cấp chính quyền trên địa bàn Thanh Hóa được cải thiện tích cực và mạnh mẽ. Thứ hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính của tỉnh Thanh Hóa liên tục tăng điểm, tăng thứ hạng qua các năm. Từ nhóm trung bình cao (xếp thứ 27) năm 2016 tăng lên nhóm điểm cao nhất của cả nước (xếp thứ 9) năm 2018. Một số chỉ số thành phần có thứ hạng cao gồm Trách nhiệm giải trình với người dân có sự đột phá (xếp thứ 7/63, tăng 50 bậc); Công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương (xếp 6/63, tăng 8 bậc); Tham gia của người dân ở cơ sở ( xếp hạng thứ 17/63); Cung ứng dịch vụ công ( xếp hạng thứ 23/63)… chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng. Năm 2019 Thanh Hóa xếp thứ 24 (tăng 7 bậc so với năm 2016) và nằm trong nhóm khá của cả nước. Nhiều điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa được thể hiện qua các chỉ số thành phần có thứ hạng cao như Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (xếp thứ 9/63), Gia nhập thị trường (xếp thứ 23/63). Sự cải thiện những chỉ số quan trọng trong đánh giá năng lực canh tranh cấp tỉnh đã phản ánh hiệu quả của những chủ trương chính sách và chỉ đạo, điều hành của tỉnh Thanh Hóa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và cán bộ, công chức tại các cơ quan Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp và nhà đầu tư…
Thanh Hóa đang là điểm sáng về sự phát triển kinh tế - xã hội. Mong rằng, với tinh thần của của quê hương giàu truyền thống cách mạng Thanh Hóa sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…